Phiêu lưu trong Darknet
Dịch vụ Tor cung cấp một lá chắn giúp bảo vệ danh tính của người sử dụng. Hơn nữa, nó còn kèm theo dịch vụ ngầm (hidden services) để tạo các trang web ngầm. Các trang này có đuôi là .onion
và nó không thể xem bằng trình duyệt thường, chỉ ai dùng Tor mới truy cập được. Đây là những trang web mà giới báo chí công nghệ gọi là Deep Web, Darknet và nhiều cái tên “đen tối” khác. Chắc bạn cũng đã từng nghe qua vụ án Silk Road, trang web chuyên mua bán “hàng cấm”, ẩn danh bằng cách sử dụng dịch vụ ngầm của Tor.
Thông thường, ta hay nhầm lẫn giữa Tor và Darknet, và đánh đồng hai khái nhiệm này. Thực ra, Tor chỉ là dịch vụ giúp ẩn danh trên Internet, còn Darknet là cộng đồng những người sử dụng dịch vụ ngầm của Tor.
Vì tính ẩn danh cao, Darknet thường là nơi yêu thích của tội phạm (mua bán ma túy, vũ khí, tiền giả…), lừa đảo, bệnh hoạn (mua bán phim sex trẻ em), và nhiều thứ khủng khiếp. Khi vào thế giới Darknet, ta phải luôn cảnh giác cao độ. Rõ ràng, Darknet không phải là nơi dành cho trẻ em và những người yếu tim. Nó là thế giới ngầm, và cũng như thế giới ngầm trong đời thực, thế giới ngầm trên Internet cũng đầy rẫy những thứ kinh khủng.
Những thứ kinh khủng trong Darknet không phải là lỗi của Tor, mà là lỗi của người sử dụng nó. Đừng đỗ lỗi cho Tor vì những gì xảy ra trong Darknet. Tor cho ta công cụ ẩn danh, còn sử dụng công cụ đó thế nào là quyền của mỗi người, và hậu quả thế nào thì người đó phải tự gánh chịu.
.onion
thực chất là một loại tên miền giả nên chỉ hoạt động trong mạng lưới Tor, nghĩa là chỉ những ai dùng Tor mới có thể truy cập. Các trang trong mạng lưới Tor rất đa dạng và phong phú. Chúng xuất hiện rất nhanh và ra đi cũng nhanh không kém khi chúng xuất hiện. Hầu hết các trang .onion
đều là tự host tại nhà, nên độ bền sẽ không cao. Ngoài ra, ta không thể biết uy tín của các trang này thế nào. Có thể kẻ theo dõi lập ra dịch vụ này nhằm gài bẫy con mồi. Bởi lẽ, những ai dùng dịch vụ ẩn danh chắc phải có gì đó bí mật.
Thế giới Darknet rất rộng lớn, và tất cả phần tử trong nó đều hoạt động ngầm. Do vậy, để tìm kiếm cái gì đó không phải dễ, nên đã có nhiều trang web được lập ra dưới dạng chỉ mục, tổng hợp lại các trang .onion
để người dùng thuận tiện tra cứu. Ta có thể coi nó như những trang vàng để tra cứu thông tin trong thế giới Internet ngầm. Tuy nhiên, giống như những trang web khác trong Darknet, các trang này thường có tuổi thọ không cao, và nội dung ít cập nhật. Dịch vụ trong Darknet thì nhiều, nhưng chất lượng thì chẳng bao nhiêu.
-
TorLinks tại torlinkbgs6aabns.onion là một chỉ mục giúp người dùng tìm kiếm thông tin mình muốn trong Darknet. Nó chia làm nhiều đề mục về các loại hình dịch khác nhau. Các địa chỉ liệt kê trong trang này có độ tin cậy không đảm bảo. Ta cần cảnh giác để tránh những trang lừa đảo (scam).
-
DuckDuckGo là công cụ tìm kiếm nằm ở thế giới ngầm nhưng lại được dùng để tìm kiếm thông tin trong thế giới bề mặt. Máy tìm kiếm này khác Google ở chỗ là nó không hề lưu lại bất kỳ thông tin nào của người sử dụng, kể cả lịch sử tìm kiếm. DuckDuckGo có hai phiên bản, một phiên bản nằm ở Clearnet (Internet bình thường mà mọi người dùng) tại duckduckgo.com, bản còn lại nằm ở Darknet tại 3g2upl4pq6kufc4m.onion.
Như tên gọi, chợ đen là chợ chuyên bán những mặt hàng mà chợ thông thường không đủ can đảm để bán. Trong Darknet, mặt hàng được mua bán nhiều nhất là ma túy. Silk Road là “chợ đầu mối” của mặt hàng nóng này, và đã bị FBI hạ vào năm 2013. Để che đậy dấu vết, các cuộc giao dịch trong Darknet đều sử dụng tiền ảo (cryptocurrency), phổ biến nhất là Bitcoin.
Chợ đen trong Darknet tôi trình bày ở đây chỉ mang tính “biết cho vui”. Bạn không nên thực hiện giao dịch gì ở bất kỳ chợ đen nào, vì sẽ không có ai giải quyết kiện cáo của bạn nếu bạn bị lừa mất tiền. Khả năng này thường rất cao, đặc biệt là khi thanh toán bằng Bitcoin và bạn lại không hiểu rõ cách thức hoạt động của nó.
Trong Darknet, tin tặc liên hệ và gặp gỡ nhau trên các diễn đàn ngầm. Cũng không ngạc nhiên cho lắm khi tin tặc lại thích cái gì đó “ngầm” (underground). Dưới con mắt xã hội, tin tặc đồng nghĩa với tội phạm, nên hoạt đồng ngầm thường tạo ra cảm giác an toàn (và nguy hiểm). Diễn đàn hacker mũ đen (black hat) nở rộ trong thế giới Darknet. Tại đây, tin tặc trao đổi những kỹ thuật hack, mua bán “chiến lợi phẩm” như thẻ tín dụng, thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, Paypal. Hiển nhiên, mọi thứ được thanh toán bằng Bitcoin để tránh bị lộ danh tính.
Những người có tư tưởng cực đoan, hoặc khác người, thường biểu lộ những tư tưởng đó trong Darknet. Họ lập ra những trang web trong thế giới ngầm để tránh bị dòm ngó, và cũng tránh bị truy lùng vì có tư tưởng dị biệt. Trong Darknet, những trang có nội dung bài xích tôn giáo, chủng tộc rất phổ biến. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) cũng hay hội họp tại Darknet. Đây là những người chống chính phủ nói chung, và cổ súy cho một xã hội tự do, không bị thế lực hay tổ chức nào lãnh đạo. Họ cật lực chống đối việc lén lút theo dõi, kiểm duyệt mạng Internet của chính quyền.
Một trong những trang web ngầm nổi tiếng nhất của những người theo thuyết vô chính phủ là trang Assassination Market (Chợ ám sát). Trang này hoạt động theo nguyên tắc giống các trang huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding) như Kickstarter nhưng khác ở chỗ là nó dùng để huy động lực lượng nhằm “ám sát” chính trị gia nào đó.
Cách thức hoạt động của trang này được ghi rõ ràng ngay tại trang chủ:
- Ai đó thêm tên người cần thủ tiêu vào danh sách, kèm theo hình ảnh và thông tin sơ bộ về người đó.
- Bà con sẽ góp tiền.
- Những người khác sẽ dự đoán khi nào người này chết. Các dự đoán này sẽ được giữ bí mật, và chỉ được công bố khi người đó chết thật.
- Dự đoán đúng sẽ nhận toàn bộ tiền góp.
Nghe có vẻ hoành tráng, nhưng từ trước tới giờ chưa có ai bị thủ tiêu, và trang này có vẻ như là một trò đùa quá trớn của một người căm ghét chính quyền.
Darknet hoàn toàn khác với Internet mà ta biết. Giống xã hội ngoài đời, Darknet cũng có hai mặt. Nó có thể là nơi riêng tư để mọi người gặp gỡ, trao đổi thông tin. Nhưng nó cũng là nơi trú ẩn mà tội phạm thường tụ tập. Xã hội nào cũng có mặt tốt và xấu. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Darknet cũng thế.