Khi nào nên nhảy việc?
Bạn làm việc cho công ty được vài năm. Ban đầu, bạn còn hăng hái, luôn “máu lửa” làm việc. Nhưng dần dần, cái độ “máu” của bạn tuột xuống. Ngày qua ngày, bạn vẫn phải bảo trì cái code do người trước để lại, và họ đã “cao chạy xa bay” qua một nơi khác. Chưa hết, công ty lại thay đổi chính sách lương thưởng, khiến nó không béo bở như ngày xưa. Những người giỏi ra đi gần hết, bạn chẳng còn ai để học hỏi. Nếu rơi vào tình trạng này, đã đến lúc bạn nên nhảy việc rồi đó.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày các dấu hiệu nhận biết khi nào bạn nên chia tay công ty hiện tại để tìm một nơi khác tốt hơn.
Thiếu nhân tài
Làm việc với những người giỏi là cách hiệu quả nhất để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được diễm phúc đó. Tôi từng làm việc với những người mang danh nghĩa “senior” nhưng code của họ chẳng hơn gì fresher. Có 2 loại “senior”: một là senior có tài, hai là senior “sống lâu lên lão làng”. Dù không có tài năng đặc biệt, nếu cắm rễ 5 năm ở công ty thì họ cũng lên senior.
Senior không có năng lực là một mối nguy cho cả team. Junior sẽ học những cái tệ của senior dỏm mà lại tưởng hay. Qua thời gian, dự án sẽ tích lũy “technical debt” đến mức không thể trả nổi. Developer dần dần mất kiểm soát source code. Chỉ thay đổi nhỏ thôi cũng làm banh hệ thống. Kết quả là cả team không thể release đúng hẹn vì bug quá nhiều. Đó là hậu quả của senior dỏm.
Hầu hết mọi người ngán những công ty phỏng vấn khó, nhưng tôi lại rất thích những công ty này vì nhân viên của họ rất giỏi. Chỉ cần một tháng làm việc với họ, bạn sẽ thấy tay nghề được nâng lên rõ rệt. Còn làm việc với những senior dỏm, bạn không những cảm thấy chán nản, mệt mỏi mà đôi khi còn bị nhiễm cái dỏm của họ lúc nào không hay.
Lương thấp
Đã qua 2 đợt đánh giá năng lực (performance review) nhưng lương bạn tăng ít quá mặc dù những chỉ số trong bản review cao vời vợi. Đó là lúc bạn nên tìm việc ở công ty mới. Lương tăng ít không phải do bạn không có năng lực, nhưng vì việc kinh doanh của công ty không tốt lắm, và quỹ lương cũng không lớn nên không thể cho mức lương cao được. Vậy nên cách tốt nhất là nhảy sang công ty có quỹ lương to hơn để bạn được trả lương xứng đáng hơn.
Tôi có thằng bạn sau khi nhảy việc, bảo rằng lương developer bên công ty mới cao hơn nhiều so với lương team lead ở công ty cũ. Do đó, bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu về mức lương thị trường cho vị trí đang làm. Rất có thể bạn đang được trả thấp hơn nhiều so với giá thị trường đấy.
Không đầu tư cho nhân viên
Không phải công ty nào cũng “chịu chơi”. Có những công ty đầu tư khủng cho nhân viên: dàn máy tính cao cấp, phát laptop xịn, phần mềm bản quyền. Cũng có những công ty không dám đầu tư, máy tính chạy như rùa, màn hình nhỏ xíu, phần mềm thì phải xài đỡ open-source vì mua bản quyền xịn tốn kém quá.
Công ty tôi từng làm việc vì quá tiết kiệm nên không dám mua Microsoft Office cho nhân viên, chỉ những người thuộc cấp manager trở lên mới được dùng. Kết quả là cấp dưới phải dùng đỡ LibreOffice. Ai cũng biết công cụ văn phòng của Microsoft là số một thế giới. Dùng đồ open-source tuy giảm chi phí nhưng chất lượng không bằng.
Nhớ có lần tôi dùng LibreOffice để sửa file Word. Project manager mở lên và thấy khoảng cách giữa các hàng tăng lên một chút. Thì ra do thằng LibreOffice làm hỏng định dạng. Thế là tôi phải Remote Desktop vào máy có cài Office bản quyền để chỉnh lại. Tệ hơn, vì kết nối tới máy tính từ xa, độ lag không thể chịu nổi, gõ xong thì 1 giây sau chữ mới hiện trên màn hình. Nếu công ty chịu đầu tư Microsoft Office cho tất cả nhân viên thì tôi đâu phải tốn thời gian làm công việc định dàng tài liệu vô bổ.
Môi trường tiêu cực
Không phải công ty nào cũng có môi trường làm việc tốt. Có nhiều công ty xảy ra tình trạng “ma cũ hiếp ma mới”, đồng nghiệp nói chuyện tục tĩu, to tiếng trong giờ làm việc. Code là phải tập trung cao độ. Môi trường bị quấy rối bởi tiếng ồn, cười giỡn sẽ làm giảm hiệu quả công việc. Làm việc trong môi trường như thế thì chẳng ngạc nhiên gì khi bạn phải thường xuyên về trễ.
Trong giờ làm việc, đồng nghiệp cứ rủ bạn ra quán để “thư giãn”. Ngày nào cũng tầm giờ về, họ lại rủ bạn đi làm vài chai để xả stress. Họ bảo đó là “team building”. Team building chẳng có gì sai, nhưng cứ cái kiểu building tới bến thế này mỗi ngày thì trong đợt khám sức khỏe sắp tới, bạn đừng ngạc nhiên khi phiếu kết quả khám có dòng chữ “gan nhiễm mỡ” to đùng.
Năng lực không được công nhận
Có những công ty sống bằng lực lượng fresher ra trường mỗi năm. Các công ty này phỏng vấn rất dễ và số lượng đầu vào rất cao. Sở dĩ họ cần số lượng đầu vào cao vì họ biết đầu ra cũng cao không kém. Bất kì ai cũng có thể thay thế. Nhân viên giỏi không được quan tâm, khiến họ bất mãn ra đi.
Khi đánh giá năng lực, họ cào bằng kết quả. Hai người cùng level thì năng lực coi như nhau, không suy xét khả năng, cống hiến của từng cá nhân. Ở những công ty này, lương tăng rất ít và nhân viên giỏi không ở lâu, tình trạng chảy máu chất xám ngày càng trầm trọng. Theo quan sát của tôi, khi một nhân viên xuất sắc ra đi thì nó sẽ tạo hiệu ứng domino, khiến những nhân viên giỏi khác cũng ra đi.
Văn hóa công ty không phù hợp
Bạn là người thích sự thoải mái, nhưng nếu làm việc trong công ty bắt mặc đồng phục thì đó là cực hình. Văn hóa là yếu tố quan trọng để quyết định có nên làm việc cho một công ty.
Tôi từng làm cho một công ty Nhật. Mỗi khi có “đoàn thanh tra” từ Nhật đến, mọi nhân viên sẽ nhận được email nhắc nhở “giữ bàn làm việc gọn gàng”. Nếu tôi là người thích bày trí bàn làm việc với đủ thứ “đồ chơi” thì coi như thất bại.
Văn hóa công ty được quyết định bởi người chủ. Chủ có tư duy bảo thủ thì văn hóa công ty cũng như vậy. Chủ có tư duy cấp tiến, chịu chơi thì văn hóa công ty cũng thể hiện đúng như vậy. Hãy nhìn văn hóa công ty như Google thì thấy quá rõ điều này.
Không phát huy thế mạnh bản thân
Thế mạnh của bạn là .NET, nhưng sếp cứ cho bạn làm Python. Tất nhiên, bạn cũng sẽ làm được thôi, nhưng do không phải là niềm đam mê nên độ hứng thứ với công việc bị giảm. Đồng ý rằng developer nên giữ tinh thần cởi mở (open mind) để tiếp thu bất kì công nghệ mới chứ không nên gò bó vào một cái nhất định, nhưng đôi khi bạn chưa sẵn sàng cho cái mới. Bạn muốn trau dồi thế mạnh của mình nhiều hơn nữa. Rõ ràng, công việc bạn đang làm hoàn toàn trái ngược với mục đích của bạn.
Giải pháp có thể là nêu vấn đề này với sếp để chuyển bạn sang dự án phù hợp với sở trường. Nếu sếp không chịu thì bạn hãy cân nhắc xem mình có thể chịu đựng tình trạng này không. Nếu không thì bạn phải biết làm gì rồi đấy.
Nhận được offer tốt hơn
Offer tốt không chỉ có lương tốt, mà còn kèm theo nhiều lợi ích khác: số ngày nghỉ phép, trợ cấp, bảo hiểm, môi trường làm việc, cơ hội đi nước ngoài, và nhiều thứ khác nữa. Có công ty do muốn giảm chi phí nên cắt quyền lợi của nhân viên. Nhân viên ở những công ty này thường bất mãn nên sẽ đi tìm những offer tốt hơn.
Có trường hợp sếp muốn giữ bạn nên hứa hẹn đủ điều, nhưng chưa chắc đó là sự thật. Nhiều khi ổng chỉ muốn bạn ở lại thôi nên dùng lời lẽ ngon ngọt để dụ. Bạn đừng quá tin vào lời hứa của sếp nếu như nó không đi kèm theo hành động cụ thể (như có một cái mail cam kết rằng sẽ tăng lương trong 2 tháng tới). Lời nói gió bay, hãy cân nhắc kỹ những lời hứa hẹn.